Mục tiêu cuối cùng của việc học đàn piano là gì?
Bài chia sẻ của chị Bội Ngọc – Một Pianist được yêu mến tại Việt Nam
Hôm nay Ngọc muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về mục tiêu cuối cùng của việc học và chơi đàn piano.
Con người ta luôn có nhu cầu muốn biết thêm điều gì đó, muốn tiến tới mục tiêu cao hơn, muốn tìm hiểu điều gì đó sâu rộng hơn, uyên bác hơn, hay so sánh mình với người khác, mà quên mất rằng, lý do khiến chúng ta tìm tới âm nhạc sâu xa là hai nhu cầu chính yếu:
1. Để giải toả cảm xúc, nội tâm, qua âm nhạc để nói lên bản ngã và chia sẻ cảm xúc, thông điệp nào đó đến với người nghe.
2. Để tự do hơn, bớt ràng buộc hơn, bớt lệ thuộc hơn, hạnh phúc hơn, thanh thản và bình yên hơn.
Niềm vui to lớn nhất của Ngọc đối với việc chơi đàn piano, không phải khi mình đạt giải cao nhất trong một cuộc thi nào đó, cũng không phải khi mình thể hiện một bài piano thật khó dưới sự trầm trồ thán phục của người nghe; mà chính là giây phút khi đàn cho người thân yêu của mình nghe, khi có thể cùng bạn bè ngẫu hứng đàn hát, … chính những khoảnh khắc đó để lại kỉ niệm sâu sắc và đẹp đẽ trong lòng mình nhất.
Chơi đàn piano nói lên tính cách của mỗi người. Bạn có thể bằng cách này hay cách khác thể hiện những nốt nhạc đó, miễn nó xuất phát từ bên trong bạn, khiến bạn thấy thư thái và bình yên hơn.
Chỉ khi nào bạn thực sự muốn thể hiện một điều gì đó thông qua âm nhạc mà không đủ khả năng, thì mới cần học thêm để thể hiện điều mình muốn nói tốt hơn. Ví dụ: bạn biết chơi đàn, nhưng bạn muốn nó sâu lắng và đủ dằn vặt với những lúc da diết, bạn cần học cách làm dồn dập giai điệu mình chơi bằng những lối chạy ngón hợp âm và fill-in. Bạn muốn một màu sắc khác cho bài hát này, bạn sẽ dùng hợp âm và hoà âm khác cho nó.
Trong thế giới của những người chơi đàn piano, đặc biệt là người chơi chuyên nghiệp hay có học tập bài bản, họ rất hay so sánh trình độ của nhau khi chơi, và dựa vào lý thuyết học thuật mà đánh giá cách bạn chơi, kỹ thuật của bạn; nhưng âm nhạc không phải được đánh giá dưới con mắt của những nhà phê bình, mà chính bằng trái tim của người nghe được đồng điệu cảm xúc.
Tại sao ta lại thích nghe một bài hát nào đó? Không phải vì bài hát đó khó, mà vì nó dễ đi vào lòng ta. Ta phải thực sự là chính mình khi đến với âm nhạc, không phải đi theo một khuôn mẫu hay định kiến.
Tới khi nào bạn chơi đàn và cảm giác mình đã bộc bạch được hết tâm tư tình cảm của mình. Tới khi nào bạn chơi đàn mà không cần suy nghĩ tới việc người khác đang nghĩ gì về mình, thì bạn đã đạt được tới cảnh giới của sự tự do, tự tại. Tới khi nào bạn quây quần cùng gia đình, người thân, và có thể ngẫu hứng lên chơi những bài hát mình yêu thích, hay những lúc cô đơn nhất, có thể đàn lên được những giai điệu của riêng mình, thì bạn đã thành công trong việc chơi đàn piano.
Bội Ngọc từng có một thời, nghĩ ngợi rất nhiều về việc: mình phải học bài bản để chơi đàn đúng kỹ thuật hơn, phải nâng cao trình độ của mình lên, nhưng rồi Ngọc nhận ra rằng, nó chẳng qua vì mình muốn được khẳng định bản thân trước con mắt của những nhà phê bình, mà quên rằng điều làm mình hạnh phúc nhất khi chơi đàn, chính là được tự do bộc bạch được cảm xúc của mình trong những nốt nhạc, và nhận được sự đồng cảm bằng trái tim của người nghe.
Là một người xuất phát từ việc tự học piano và chơi piano tự do, quan điểm của Ngọc đối với việc học và chơi đàn chưa bao giờ là để thể hiện đẳng cấp trong trình độ, kỹ thuật của mình với ai cả. Bởi Ngọc nhìn thấy một điều, trong giới học thuật và chơi piano, khi biểu diễn piano, đa số mọi người đều muốn thể hiện trình độ và độ khó khi chơi đàn, mà quên mất rằng, điều gì đọng lại trong lòng người nghe mới chính là thứ quan trọng.
Do đó, Bội Ngọc hy vọng bài viết này, sẽ giúp cho mọi người thôi tự ti về việc mình chơi đàn không qua trường lớp bài bản nào, mình chơi đàn không được khó như người ta, hay kỹ thuật điêu luyện như người khác. Hãy nhìn lại lý do và mục đích cuối cùng khi bạn chơi đàn, là để được bộc bạch cảm xúc, được giãi bày, được lắng nghe và chạm đến cảm xúc của mọi người. Hãy ngưng phán xét bản thân, ngưng so sánh mình với người khác.
Hãy chơi đàn, hãy nghe nhạc bằng cả trái tim.
– Bội Ngọc –