Các xu hướng nghệ thuật, âm nhạc vào thời kỳ 1945

Các xu hướng nghệ thuật, âm nhạc vào thời kỳ 1945

Do ảnh hưởng của chính trị, trong một thời gian dài thế giới được chia thành hai khu vực nên văn hoá nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng cũng chịu những ảnh hưởng này.

Đối với các nước Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô cũ (trong đó có cả một số nước cộng hòa thuộc Châu á), các nhạc sĩ cố gắng xây dựng một nền âm nhạc mang tính nhân dân. Họ thường sử dụng các kỹ thuật sáng tác và các hình thức đã được hình thành và ổn định của âm nhạc cổ điển Tây Âu từ những thế kỷ trước để diễn đạt những ý tưởng của mình. Các tác phẩm âm nhạc của họ thường gắn liền với các nhiệm vụ Cách mạng, các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của dân tộc. Khích lệ xã hội tiến lên.

Đối với các nước tư bản phát triển ở phương tây các nhạc sĩ thường đi tìm tòi, phát hiện những cái mới. Thí dụ nảy sinh ra một quan niệm mới về hình thức của truyền thống, hệ thống serie mới và một phong cách sáng tác mới của Boulez. Sử dụng máy tính và biểu đồ để sáng tác của Xenakis. Khai thác thanh nhạc khác truyền thống của Ligeti…

Tuy nhiên việc giao lưu giữa hai khu vực cũng được tìm thấy ở một số tác giả tuy không phải là phổ biến. Thí dụ một số nhạc sĩ Ba lan sử dụng kỹ thuật sáng tác mới như Penderecki. Hoặc một số nhạc sĩ của ý, Tây Đức chú ý đến khía cạnh dân chủ tiến bộ trong sáng tác của mình như Nono, Britten, Huber…

Lúc này có bốn khuynh hướng sáng tác chính đó là:

  1. Khuynh hướng tồn tại và phát triển loại hình truyền thống đồng thời đưa vào ngôn ngữ âm nhạc hiện đại

Đây là một khuynh hướng sử dụng kỹ thuật sáng tác, những thể loại và những hình thức đã có từ thời âm nhạc cổ điển như giao hưởng, concerto, sonate, biến tấu… Nhưng đề tài thường gắn với cuộc sống hiện tại và đặc biệt rất nhiều tác phẩm gắn với các sự kiện chính trị xã hội, gắn với Cách mạng. Như vậy giá trị của một tác phẩm không chỉ đơn thuần là sự tìm tòi về nghệ thuật mà còn thúc đẩy đối với sự phát triển của xã hội. Thí dụ các giao hưởng, các concerto của Chostakovitch, Nono, Britten, Hartman…

2. Khuynh hướng tìm tòi những nhân tố mới và chất liệu mới

Đây là một khuynh hướng muốn phá bỏ những kỹ thuật, những quan niệm về âm nhạc theo kiểu truyền thống để đưa ra một hiệu quả thực sự mới lạ. Thí dụ như âm nhạc của John Cage, Stockhausen…

nhà soạn nhạc John Cage

Nhà soạn nhạc John Cage

3. Khuynh hướng khai thác đặc điểm âm nhạc dân tộc thành một phong cách

Đây là một khuynh hướng sáng tác sử dụng những kỹ thuật, hình thức và thể loại của âm nhạc cổ điển Tây Âu nhưng đưa thêm những nhân tố âm nhạc dân gian của dân tộc mình để tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc mới. Rất nhiều nhạc sĩ ở các nước cộng hoà châu á thuộc liên bang Xô Viết cũng như các nhạc sĩ ở Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam… cũng sáng tác theo khuynh hướng này. Chính họ đã góp phần quan trọng tạo dựng nên một nền âm nhạc trên cơ sở kế thừa các tinh hoa của âm nhạc thế giới và phù hợp với sự phát triển của đất nước mình. Thí dụ âm nhạc của Khachaturian, Takomisu, Nguyễn Thiên Đạo…

4. Khuynh hướng âm nhạc quần chúng

Các tác phẩm theo khuynh hướng này thường ngắn gọn, dễ hiểu, đơn giản phù hợp với nhu cầu giải trí và đề cập được mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày như nhạc Jazz, nhạc Pop, nhạc Rock. Đây là các loại nhạc cũng tận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng… để tạo ra hiệu quả mới trong khi trình diễn. Nó cũng có thể coi là loại âm nhạc thương mại mà trên thực tế đã phát triển vượt trội so với âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian rất nhiều trong thời gian qua.

Các trào lưu sáng tác âm nhạc năm 1945

  1. Âm nhạc serie toàn phần (serie intégral).
  2. Âm nhạc cụ thể (concrète).
  3. Âm nhạc bấp bênh (aléateire).
  4. Âm nhạc điện tử âm thanh học (électro-acoustique).
  5. Sử dụng khối âm thanh.
  6. Âm nhạc giảm thiểu.
  7. Âm nhạc microtonal. Đây là loại âm nhạc sử dụng những thang âm có những quãng nhỏ hơn nửa cung. Thí dụ bắt chước thang âm Java, Mehico… của Julian Carillo, Harry Parch (chia 1 cung thành 43 phần).
  8. Âm nhạc đa phong cách. Sử dụng các trích dẫn trong tác phẩm của các nhạc sĩ khác chông lên ý tưởng của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *