Những khó khăn và thuận lợi khi tham gia học piano ở tuổi trưởng thành

Những khó khăn và thuận lợi khi tham gia học piano ở tuổi trưởng thành

  • Khó khăn

Đối tượng cần được trang bị kỹ năng Piano mà chúng tôi đang đề cập ở đây  là những thanh niên trong độ tuổi trưởng thành (17 – 25), đã có sự phát triển khá hoàn chỉnh về thể chất và tâm sinh lý. Tuy nhiên do đầu vào đa dạng, không thống nhất về độ tuổi và trình độ; phần lớn lại chưa được làm quen với đàn Piano và đặc biệt những yêu cầu về thể lực chưa đáp ứng được với những tiêu chuẩn dành cho người học đàn Piano. Học đàn Piano ở độ tuổi lớn đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao do cơ tay cứng nên việc thực hành luyện tập trên đàn không thể linh hoạt và nhanh nhạy như lứa tuổi nhỏ vì thế mà việc giảng dạy cho các đối tượng này là khá khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải có sự khéo léo, kiên trì và sáng tạo từ phía người dạy (tuỳ theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh và với từng đối tượng cụ thể, giảng viên phải tạo ra các cơ hội và phương pháp học tập đa dạng để người học có thể lựa chọn loại hình phù hợp với mình). Về phía người học, nếu không có quyết tâm cao, không đầu tư thời gian và kiên trì bền bỉ trong khổ luyện thì sẽ không thể gặt hái được thành công trong học tập.

  • Thuận lợi:

Tuy nhiên, ngoài những khó khăn đã nêu trên, những đối tượng học lớn tuổi  này (nếu so sánh với học sinh sơ cấp được tuyển vào Piano chuyên nghiệp từ lứa tuổi nhỏ) cũng có một số thuận lợi nhất định theo như đánh giá của các nhà sư phạm Việt Nam và nước ngoài.

Do đã có sự trưởng thành trong nhận thức mà người học bắt tay vào học tập với các mục tiêu và động cơ mạnh mẽ hơn, đây chính là ưu thế nếu so sánh với việc học đàn Piano ở lứa tuổi nhỏ (việc phải làm đi làm lại một động tác dễ gây nên sự nhàm chán và không tập trung). Khả năng cảm thụ âm nhạc cũng là một lợi thế to lớn khác, do đã có một trình độ kiến thức âm nhạc nhất định nên người học có thể dễ dàng cảm nhận được những mối liên hệ về thang âm, điệu thức, hợp âm, tiết tấu, tính chất âm nhạc; điều này sẽ giúp cho việc nắm vững và ghi nhớ bản nhạc được nhanh và lâu bền hơn.

 

Đối tượng học lớn tuổi hiểu được lý do vì sao họ phải học trước khi tiếp cận với một vấn đề mới nên sẽ xây dựng được phương pháp học tập hiệu quả, biết cách đặt ra những mục tiêu trong từng giai đoạn khác nhau nhằm hướng tới việc duy trì và sử dụng những gì mà họ đã học được tốt hơn và lâu dài hơn; sẽ đầu tư năng lượng để tìm kiếm những ích lợi mà họ có thể có được thông qua học tập và những bất lợi nếu họ không học về vấn đề này.

Khi học đàn piano cần:

Trong lĩnh vực âm nhạc, ngoài những năng lực và phẩm chất của người học đã nêu trên, còn có những yêu cầu về phẩm chất thể hiện qua các mặt sa u :

– Khả năng sáng tạo.

– Hứng thú, động lực trong học tập.

– Khả năng tập trung cao.

– Trí tưởng tượng nhạy bén.

– Sự khát khao thể hiện những tìm tòi sáng tạo.

Những phẩm chất này gắn bó mật thiết với nhau, đòi hỏi giảng viên trong quá trình giảng dạy để đạt được mục tiêu đó phải hướng dẫn trẻ đạt được các điều sau:

– Một là, cho người học tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật, rèn luyện óc  quan sát, nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác phẩm.

– Hai là, thông qua các tác phẩm âm nhạc, gợi mở cho người học những giá trị thẩm mỹ, rèn luyện tai nghe và sự cảm nhận âm nhạc.

– Ba là, trong quá trình lên lớp, giảng viên truyền đạt cho người học những  kiến thức, kinh nghiệm để có thể nắm vững và làm chủ phương tiện đang sử dụng (đàn Piano), khai thác được mọi tính năng của cây đàn nhằm giúp cho việc thể hiện tác phẩm trong quá trình luyện tập cũng như phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu vào ngành học của mình trên cơ sở đảm bảo phối hợp hài hòa cả ba mặt: kỹ thuật, cảm xúc, sáng tạo. Ba yếu tố này luôn song hành trong cả quá trình đào tạo, chúng bổ sung cho nhau và là nguyên tắc sư phạm cơ bản nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *