Piano có mặt tại Việt Nam từ khi nào?

Ở Việt Nam, cây đàn Piano xuất hiện từ bao giờ là câu hỏi được các nhà nghiên cứu âm nhạc quan tâm và đưa ra các quan điểm khác nhau. Theo tài liệu “Tân nhạc Hà Nội”, các nhà nghiên cứu cho rằng đàn Piano có mặt tại Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong khoảng thời gian từ 1914 – 1918.

nghệ thuật biểu diễn piano

Tuy nhiên, luận án tiến sĩ của GS.TS.NGND Trần Thu Hà về “Nghệ thuật Piano Việt Nam” đã khẳng định đàn Piano xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1912 phục vụ cho mục đích truyền đạo. Piano được sử dụng thay thế cho Organ trong nhà thờ, vì vậy những linh mục Pháp chính là những người thầy dạy đánh đàn Piano đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến những thập niên 20, 30 đàn Piano mới được biết đến nhiều hơn cùng với các nhạc cụ phương Tây khác như Violon, Violon Cello, Guitare, Accordéon và các loại kèn hơi.

Người ta thấy đàn Piano trong các ban nhạc tại các nhà hàng, rạp hát, các quán bar…để phục vụ nhu cầu giải trí của các viên chức Pháp, Việt và tầng lớp thượng lưu. Về sau, các lớp dạy tư về Piano được mở tuy còn mang tính nghiệp dư nhưng đã có ý nghĩa nhất định đối với sự hình thành nền Piano chuyên nghiệp của Việt Nam sau này. Đặc biệt, mặc dù chỉ tồn tại trong vòng 3 năm nhưng sự ra đời của Pháp quốc Viễn đông Nhạc viện vào năm 1927 đã đem lại những kết quả ban đầu: trang bị kiến thức âm nhạc cơ bản và trình độ biểu diễn một vài nhạc cụ châu Âu (Piano, Violon, Cello và Flute) cho một số người có năng khiếu, yêu thích âm nhạc lúc bấy giờ.

Cùng thống nhất với quan điểm như trên, tác giả Minh Tâm trong “Lược sử âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn từ 1900 đến 1975″ cho rằng cũng như những nhạc cụ châu Âu khác du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, đàn Piano xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1912 nhân dịp khánh thành nhà thờ lớn Sài Gòn, sau đó có mặt tại Hà Nội và ở những thành phố khác.

Sự nghiệp đào tạo chuyên nghiệp đàn Piano ở Việt Nam được hình thành cùng với sự ra đời của các cơ sở đào tạo âm nhạc lớn trên cả nước: Trường Âm nhạc Việt Nam – năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Quốc gia

Âm nhạc và Kịch nghệ Huế – năm 1962 (nay là Học viện Âm nhạc Huế), Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn – năm 1956 (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) và tiếp theo là hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học Văn hóa – Nghệ thuật trên cả nước được dần dần mở ra sau này.

Đề cập về vai trò của cây đàn Piano trong đời sống âm nhạc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Minh Anh trong công trình nghiên cứu của mình (luận án tiến sĩ “Sự phát triển nghệ thuật Piano Việt Nam” – 2008) đã nhận định nghệ thuật Piano Việt Nam giai đoạn trước Cách Mạng tháng Tám là còn chưa mang tính chuyên nghiệp và ở trình độ thấp. Với mục đích ban đầu là phục vụ các hoạt động nghi lễ tôn giáo, cây đàn Piano đã dần đi vào cuộc sống, phục vụ sinh hoạt giải trí cho tầng lớp thượng lưu và trí thức yêu âm nhạc lúc bấy giờ.

Cùng với thời gian, đàn Piano ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Số lượng người biết thưởng thức, biết chơi đàn ngày một tăng. Thành tựu phát triển ngành Piano tại nước ta đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ; trình độ và chất lượng đào tạo ngày một nâng cao: Ngay từ những năm chiến tranh đầy gian khổ và ác liệt, chúng ta đã có thí sinh đầu tiên (nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh) tham dự kỳ thi Piano quốc tế mang tên Tchaikovsky tại Moscow năm 1974. Năm 1980 nghệ sĩ Đặng Thái Sơn dành giải Nhất kỳ thi Piano quốc tế mang tên Chopin lần thứ 10 tại Ba Lan đã mang lại vinh quang cho dân tộc. Nhìn lại những gì chúng ta đã đạt được thật đáng tự hào và trân trọng, đó chính là kết quả của những cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi của các giáo sư, nghệ sĩ, các giảng viên tâm huyết với sự nghiệp đào tạo Piano Việt Nam và chúng ta không thể không nhắc tới sự đóng góp to lớn của NGND Thái Thị Liên – người đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng ngành Piano nước nhà.

Cũng theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Minh Anh, giai đoạn những nămđầu của thập niên 60 thế kỷ XX đời sống âm nhạc của thủ đô Hà Nội và tại một số thành phố lớn miền Bắc đã phát triển tới trình độ cao, đặc biệt việc đưa nghệ thuật Piano tới đông đảo quần chúng thông qua những chương trình biểu diễn mang tính chất chuyên nghiệp cũng rất được quan tâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *