Âm nhạc tuôn trào qua tiếng đàn piano
Piano trong việc hình thành và phát triển tư duy phức điệu
Âm nhạc là những dòng thác âm thanh “tuôn trào” theo nhiều hướng với những cung bậc khác nhau nhưng vẫn tuân thủ những luật lệ về cấu trúc hòa thanh, hình thức một cách chặt chẽ. Khám phá được những quy luật cấu thành tác phẩm trong những chuỗi âm thanh xen kẽ, đan quyện với nhau nhiều tầng, nhiều bè là một việc không dễ dàng. Luyện tập kỹ năng tai nghe “tách bè” sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cả về tư duy âm nhạc cũng như khả năng phân tích, tổng hợp của trí nhớ.
Xem thêm những giá trị nghệ thuật trên chiếc Đàn Piano Kawai
Kỹ năng cảm thụ âm thanh nhiều bè theo chiều dọc (hợp âm) và chiều ngang (giai điệu) sẽ giúp ích cho HSSV khi biểu diễn một tác phẩm nào đó được rõ ràng, mạch lạc. Các giai điệu, bè đệm, các thành phần khác trong câu được phân biệt, tạo nên một bức tranh âm nhạc sống động và logic. Theo quan điểm của J.S.Bach (nhạc sĩ thiên tài Đức, “cha đẻ” của thể loại âm nhạc Phức điệu), việc luyện tập các tác phẩm phức điệu không chỉ nhằm mục đích phân biệt được các bè mà còn hướng đến sự phát triển tư duy logic và nghệ thuật.
Tính phức điệu có mặt ở tất cả các tác phẩm âm nhạc và là một trong những thủ pháp sáng tác được sử dụng rộng rãi nhất của các nhạc sĩ.
Nếu HSSV không làm chủ được khả năng tai nghe nhiều bè (phức điệu) thì sẽ bị hạn chế trên con đường làm nghệ thuật của mình. Cây đàn Piano với khả năng diễn tấu phong phú nên có thể chơi được những hợp âm phức tạp hoặc các tác phẩm phức điệu với nhiều bè được tiến hành cùng một lúc. Các tác phẩm phức điệu viết cho Piano rất phong phú về số lượng cũng như bao gồm nhiều cấp độ từ dễ đến khó (có thể từ 2 bè đến 5 bè) là cả một kho tàng quý báu để những HSSV theo học âm nhạc có điều kiện lựa chọn, tập luyện và trang bị cho bản thân những kiến thức âm nhạc bổ trợ cho chuyên môn chính của mình.
Chơi các bản phức điệu sẽ rèn luyện tính kiên trì, rèn luyện tai nghe từng nốt một cách kỹ càng là những kỹ năng cần thiết cho những người làm công tác âm nhạc. Để có thể tạo ra được kỹ năng này, yêu cầu đặt ra là “làm việc với các bản phức điệu cần phải ngay từ đầu, từ khi mới bắt đầu luyện tập âm nhạc”.
Mặt khác, khi đã có tư duy phức điệu, HSSV học các chuyên ngành âm nhạc khác sẽ cảm nhận được các bè chính, bè phụ, bè đệmđể khi chơi trong dàn nhạc, chơi hòa tấu hoặc biểu diễn các tác phẩm có Piano đệm thì có sự chủ động với phần bè của mình trong khi vẫn nắm bắt được vững vàng các phần âm nhạc của bè Piano.
Hòa tấu với Piano hoặc với dàn nhạc là kỹ năng cần phải rèn luyện một cách cơ bản để có thể vừa làm chủ phần thể hiện của mình đồng thời vẫn phối hợp ăn ý với các bè các nhạc cụ khác.