Piano trong việc tích lũy vốn tác phẩm âm nhạc
Được mệnh danh là Vua của các loại nhạc cụ bởi sự đa dạng trong kỹ thuật diễn tấu cùng khả năng thể hiện tuyệt vời, đàn Piano với những tính năng vượt trội đã được các nhạc sĩ sáng tác trên thế giới dành cho một kho tàng tác phẩm đồ sộ nhất, phong phú nhất và đa dạng nhất cả về quy mô cũng như thể loại. Chính vì vậy, có kỹ năng đánh đàn Piano cơ, đàn piano điện tốt người học sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và khám phá các tác phẩm âm nhạc kinh điển ở những thể loại khác nhau (không chỉ các tác phẩm viết cho Piano mà còn cả các tác phẩm viết cho một số nhạc cụ khác, những tác phẩm lớn viết cho dàn nhạc); chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu phong cách thời đại, chủ đề tư tưởng của tác giả, những thủ pháp sáng tác, ngôn ngữ và phương thức thể hiện âm nhạc trong các tác phẩm của các trường phái…
Việc nắm vững cấu trúc nội tại của tác phẩm, phân tích được tính hệ thống cũng như tính logic trong sự phát triển của các tác phẩm âm nhạc sẽ góp phần làm phát triển khả năng tư duy âm nhạc của người học. Ngoài ra, thông qua việc thể hiện các tác phẩm trên đàn Piano, người học được cung cấp một số kiến thức nền tảng về âm nhạc; luyện tai nghe để có những trải nghiệm về âm thanh, nắm vững cấu tạo các hợp âm, cảm nhận cá tính của từng nốt nhạc nhằm hiểu được cách tái tạo âm thanh để có thể tự thực hiện và bổ sung cho bản thân những kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo.
Những âm thanh trong các tác phẩm kết tinh từ trí tuệ của những vĩ nhân, thiên tài, các nhạc sĩ bậc thầy đã trở thành nguồn cảm hứng, nguồn năng lượng phong phú thúc đẩy quá trình tập luyện, học tập và nghiên cứu, đồng thời thông qua việc chơi đàn Piano, các giá trị văn hóa, nghệ thuật cũng sẽ được tích lũy dần theo thời gian làm giàu thêm kiến thức của người học.
Xem thêm Đàn piano điện Yamaha bán tại Việt Thương Music
Với khả năng thể hiện vô cùng phong phú, Piano đã trở thành phương tiện hữu dụng, có chức năng hỗ trợ trong quá trình giảng dạy các môn kiến thức cơ sở ngành. Tại các Nhạc viện trên thế giới, bất kỳ một giờ học nào của các môn học trang bị kiến thức âm nhạc nền tảng như Hòa thanh, Hợp xướng, Ký xướng âm, Lịch sử âm nhạc, Phức điệu, Phân tích tác phẩm, cũng đều cần tới sự góp mặt của cây đàn Piano như là một phương tiện trợ giúp đắc lực với vai trò định vị âm chuẩn, dẫn dắt sự tiến hành từng bè, củng cố và phát triển khả năng nghe chuẩn xác, rèn luyện khả năng nghe được nhiều bè cùng một lúc. Trong một số trường hợp cụ thể Piano là phương tiện hỗ trợ cần thiết tạo nên sự cuốn hút và sinh động của môn học, gây hứng thú cho người học.
Thông qua việc sử dụng thành thạo cây đàn Piano, người học chuyên về nhạc cụ – âm nhạc đặc biệt ở các chuyên ngành Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy mới có cơ hội thể nghiệm và cảm nhận được tác phẩm âm nhạc một cách cụ thể bằng tai nghe chứ không phải bằng mắt hay bằng sự tưởng tượng. Đàn Piano đã tạo được hiệu quả nghệ thuật rất lớn trong việc hỗ trợ cho Thanh nhạc trên các lĩnh vực đào tạo cũng như biểu diễn mà khó có một nhạc cụ nào có thể làm tốt hơn. Có thể nói, Piano có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo Thanh nhạc tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp.
Ngoài ra, thông qua Piano người học có cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm phức điệu, giúp cho việc rèn luyện khả năng phân biệt được các bè và hướng đến sự phát triển tư duy logic và nghệ thuật. Có tư duy phức điệu, người chơi đàn piano, người học các chuyên ngành âm nhạc, đặc biệt là các nhạc cụ Giao hưởng sẽ cảm nhận được các bè chính, bè phụ, bè đệmđể khi hòa tấu cùng với các nhạc cụ khác hoặc biểu diễn các tác phẩm có Piano đệm sẽ chủ động với phần bè của mình và nắm bắt được các phần âm nhạc của bè Piano.